Quá trình hòa nhập và giao thoa văn hóa Người_Hoa_(Việt_Nam)

Về ngôn ngữ

Đa phần người gốc Hoa thế hệ sau này ở Việt Nam đã có thể giao tiếp và sử dụng tiếng Việt một cách khá hoàn chỉnh và trôi chảy, một phần nguyên nhân có thể thấy qua sự cố gắng của chính quyền trong việc quảng bá và cập nhật ngôn ngữ tiếng Việt đối với cộng đồng người gốc Hoa. Đơn cử như việc quốc hữu hóa các cơ sở, trường học tư nhân do các bang hội người Hoa lập nên. Các cơ sở giáo dục này được cộng đồng người Hoa lập ra nhằm mục đích giáo dục cho con em người Hoa, theo chương trình và ngôn ngữ riêng của họ (tiếng Quảng Đông, Triều Châu hoặc Phúc Kiến), điều này một mặt đã giúp bảo tồn tiếng nói và ngôn ngữ Trung Hoa cho con em họ, mặt khác lại là trở ngại cho chính các thế hệ học sinh gốc Hoa vì không được dạy và làm quen với tiếng Việt bài bản. Thực tế cho thấy, sẽ là rất khó khăn cho một cá nhân khi phải sinh sống trên một đất nước mà không thông thạo hoặc am hiểu ngôn ngữ bản xứ của đất nước đó. Do vậy chính sách của nhà nước Việt Nam là cố gắng cập nhật và đồng bộ hóa chương trình giáo dục trên toàn quốc theo một chuẩn duy nhất, lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy chính (đối với các cơ sở giáo dục của người Hoa), bên cạnh đó tiếng Hoa sẽ được ưu tiên chọn lựa để làm ngoại ngữ chính được giảng dạy ở các cơ sở giáo dục này (bên cạnh tiếng Anh). Nhờ đó các thế hệ người Hoa sau này có thể vừa hiểu biết thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt, vừa giữ được ngôn ngữ tiếng nói của dân tộc Hoa (từ trường lớp, giao tiếp ở gia đình hoặc nội bộ, hoặc tiếp thu thêm ở các trung tâm giảng dạy Hoa văn).

Thực tế là, người Việt gốc Hoa hiện nay vừa giao tiếp thành thạo tiếng Việt với người bản xứ, trong khi vẫn sử dụng tiếng Hoa trong các giao dịch nội bộ. Thông thạo được tiếng Việt là điều rất khó tìm thấy ở các thế hệ người Hoa trước đây. Có thể thấy một ví dụ hình ảnh sinh động: ở thời điểm 2015, một cô cháu gái ở một gia đình gốc Hoa sẽ nói tốt tiếng Việt lẫn Hoa, còn người ông hoặc bà của cô ấy chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa trong khi tiếng Việt bập bẹ rất hạn chế. Điều đó không hề nói lên rằng chính quyền Việt Nam chủ ý muốn "đồng hóa" người gốc Hoa, đó đơn giản chỉ là hảo ý mong muốn cập nhật tiếng bản xứ (Việt ngữ) cho cộng đồng gốc Hoa, để giúp họ hòa nhập tốt nhất vào xã hội mà không gặp bất cứ trở ngại nào về ngôn ngữ, đó là quyền lợi chính đáng mà người Việt gốc Hoa đáng được hưởng. Vả chăng việc cập nhật và sử dụng tiếng Việt không hề làm mất đi ngôn ngữ Hoa trong các thế hệ trẻ người Hoa, họ vẫn sử dụng và thực hành tiếng Hoa tại gia đình hoặc trong các giao tiếp hội nhóm nội bộ, hoặc quy củ hơn là tham gia một lớp Hoa văn ở một trung tâm ngoại ngữ. Tiếng Việt cũng là ngôn ngữ dung nạp và sử dụng khoảng 60% từ vựng có nguồn gốc Trung Quốc (từ Hán Việt) nên cũng tạo nên sự gần gũi tương đồng và thích nghi giữa cộng đồng gốc Hoa và người Việt bản địa.

Văn hóa

Về văn hóa, người Hoa và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng trong tập quán, tín ngưỡng, các quy chuẩn khuôn khổ đạo đức, và trong nhân sinh quan xã hội nói chung. Do đó, người Hoa hòa nhập rất dễ dàng vào xã hội người Việt. Điều này là rất khác nếu so với các cộng đồng người Hoa ở những đất nước như Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan, vốn có một nền văn hóa và tư tưởng khác hoàn toàn với văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên chính vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa mà có sự nhầm lẫn rằng người Hoa tại Việt Nam đang dần bị đồng hóa với người Việt và đánh mất bản sắc. Thực tế, thì ngoài những điểm rất tương đồng trong văn hóa và tư tưởng, người Hoa vẫn có những bản sắc riêng [29][30][31][32] mà có thể khác biệt đôi chút với người Việt, như các ngày lễ hội riêng trong tập quán tín ngưỡng của người Hoa (lễ Nguyên Tiêu, lễ Đông Chí, lễ vía Quan Công, lễ vía bà Thiên Hậu,...). Và một số quy chuẩn ứng xử của người Hoa trong một số tình huống cũng có thể sẽ khác đôi chút với người Việt [33][34][35].

Ẩm thực

Về ẩm thực, có thể thấy người Hoa đã có sự giao lưu rất lớn với nền ẩm thực bản địa Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng món "ngưu nhục phấn" (tiếng Quảng Đông: ngầu dục phẳn) của người Hoa sinh sống ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, vốn làm từ sợi bánh gạo nấu với thịt bò hầm, là khởi nguồn để người Việt biến tấu thành món "phở bò" quốc hồn quốc túy của Việt Nam [36], tuy nhiên qua khảo sát từ các nhà chuyên môn thì khẩu vị và cách thức chế biến của hai loại món ăn này cũng có khác nhau về cơ bản. Bên cạnh đó, người Hoa ở Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã mang theo nền ẩm thực Hoa đến quảng bá ở mảnh đất này từ rất lâu và mặc nhiên được xem là nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực địa phương (Sài Gòn) [37][38]. Các món hấp, chiên, xào chảo, chưng, hầm, tiềm,... theo phong cách Hoa đã được người gốc Hoa giới thiệu và đã hòa nhập rất sâu vào nền ẩm thực tại địa phương (Sài Gòn) [39][40]. Ở chiều ngược lại, những sản vật đặc thù tại địa phương đã được thêm vào các thành phần nguyên liệu chế biến món ăn, thay thế cho các thành phần nguyên liệu vốn cần để chế biến món ăn đó mà ở địa phương lại không có. Song song đó, những món ẩm thực của người Việt gốc Hoa cũng được tùy biến điều chỉnh về hương vị cho phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt bản địa, nhưng vẫn giữ căn bản đặc trưng của món ăn đó. Do đó, đơn cử một món ăn "cơm xào thập cẩm" của người Việt gốc Hoa tại Việt Nam sẽ có thể khác biệt với món "cơm xào thập cẩm" nguyên bản Trung Hoa về thành phần và hương vị. Các phương pháp chế biến món ăn của người Việt và người Hoa cũng lại rất giống nhau, đơn cử như cách chế biến nước dùng (nước lèo) từ xương heo hầm (hoặc xương gà); các loại cơm hoặc món sợi (mì, hủ tiếu, miến, bún) cũng khá tương đồng trong chế biến và các nguyên liệu chính (thịt thái nhỏ, thịt băm, và đồ lòng động vật)[41]. Quan niệm và phong cách ẩm thực của người Hoa và người Việt cũng là điểm tương đồng, khi nhấn mạnh yếu tố thực-dưỡng: ăn cũng giống như việc uống thuốc và bồi bổ, vì cùng là đi qua đường miệng, nên yếu tố bổ dưỡng và tác dụng của món ăn đối với cơ thể rất được xem trọng.

Bên cạnh đó ẩm thực Hoa và Việt cũng chú trọng đến các yếu tố hài hòa phối hợp cân bằng giữa các thành phần món ăn, xoay quanh việc cân đối giữa yếu tố nóng-lạnh (theo quan niệm ẩm thực Trung Hoa và Việt Nam): một món ăn phải cân bằng giữa các nguyên liệu mang tính nóng (làm tăng nhiệt cơ thể), tính hàn (làm hạ nhiệt cơ thể) và tính ôn (trung tính, không nóng không lạnh) mới có thể mang lại sự quân bình và hấp thu tốt cho sức khỏe. Đó là sự giao thoa và hòa nhập rất tốt của người Hoa trong xã hội Việt Nam.

Về truyền thông

Logo báo Sài Gòn Giải phóng tiếng Hoa

Hiện tại ở Thành phố Hồ Chí Minh có một ấn bản Hoa văn của tòa báo Sài Gòn Giải Phóng là tờ "Sài Gòn Giải Phóng nhật báo" (西貢解放日報 - phiên âm tiếng Quảng Đông: Xấy Cung Cải Phoong yạch pôu) xuất bản hàng ngày trong tuần, phục vụ cho cộng đồng người Việt gốc Hoa. Về phát thanh, đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) có mục tin tức bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại phát thanh hàng ngày trong tuần phục vụ cộng đồng người Việt gốc Hoa, và một chương trình ca khúc tiếng Hoa phát thanh định kỳ.

Về thương mại và phúc lợi xã hội

Người Việt gốc Hoa cũng được ghi nhận là một cộng đồng có năng khiếu và tư chất hoạt động kinh doanh, thương mại rất giỏi. Hầu như ở bất cứ nơi nào có đông đảo người gốc Hoa, nơi đó đều trở nên nhộn nhịp về thương mại và có một xung lực kích thích nền kinh tế giao thương mạnh mẽ. Tương tự như Singapore, Đài Loan, Hong Kong hoặc Malaysia, vốn do cộng đồng người gốc Hoa làm nền tảng đầu tàu kéo cả nền kinh tế quốc gia đó đi lên, người gốc Hoa ở Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, họ còn đóng góp tài chính và vật lực, xây dựng nhiều bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng cho chính địa phương nơi họ cư trú, chẳng hạn các bệnh viện lớn lâu đời ở địa bàn Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh) đều do các cộng đồng gốc Hoa chung tay đóng góp xây dựng nên, như bệnh viện Nguyễn Tri Phương (y viện Quảng Đông cũ) do cộng đồng nhóm Quảng Đông xây dựng năm 1907, bệnh viện An Bình (y viện Triều Châu cũ) do cộng đồng nhóm Triều Châu xây dựng năm 1916, bệnh viện Nguyễn Trãi (y viện Phúc Kiến cũ) do cộng đồng nhóm Phúc Kiến xây dựng năm 1909, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (y viện Sùng Chính cũ) do cộng đồng tiếng Hẹ (Khách Gia - Hakka) xây dựng nên năm 1920, và cả bệnh viện Chợ Rẫy cũng được xây dựng trên một mảnh đất mà trước đó là một ngôi chợ của người Hoa Chợ Lớn và mảnh đất rẫy trồng rau và hoa màu của cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu và Quảng Đông sinh sống ở đó, vì thế bệnh viện cũng mang tên là Chợ Rẫy từ đó. Những cơ sở y tế an sinh của riêng từng cộng đồng các nhóm ngôn ngữ Hoa đó vốn ban đầu chỉ có chức năng hội chuẩn - cứu tế cho các đồng hương Hoa kiều của từng cộng đồng gốc Hoa riêng lẻ (vì các cơ sở lúc mới thành lập còn quá nhỏ bé và thiếu thốn điều kiện), về sau dần được mở rộng và nâng cấp để tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe cho cả người dân địa phương (cả Hoa và Việt). Đó là những đóng góp rõ ràng của người Việt gốc Hoa cho phúc lợi và dân sinh địa phương, và cũng như cách họ đền ơn cho mảnh đất đã dung dưỡng và cưu mang họ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Hoa_(Việt_Nam) http://www.asiapacificms.com/papers/pdf/gt_opium_t... http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_c... http://books.google.com/books?id=3NHoI2HoFiQC&prin... http://books.google.com/books?id=foZAdRgB-nwC&lpg=... http://books.google.com/books?id=uEYKCGj6J0wC&prin... http://vietsciences.free.fr/vietnam/tiengviet/nguo... http://www.cia.gov/cia/publications/factbook/geos/... http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=9... http://web.archive.org/web/20171029013833/http://t... http://nghiencuuquocte.org/2016/06/19/lich-su-nguo...